Thông tư này đưa ra nhiều điểm mới quan trọng, nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh, quản lý thuốc chặt chẽ và thuận tiện hơn cho quá trình điều trị.
Kê đơn thuốc điện tử: Bắt buộc từ 1/10/2025
Theo Khoản 3, Điều 13 Thông tư 26/2025, tất cả các bệnh viện phải thực hiện kê đơn thuốc điện tử trước ngày 1/10/2025. Các cơ sở khám, chữa bệnh khác sẽ thực hiện trước 1/1/2026. Đơn thuốc điện tử có giá trị pháp lý tương đương đơn giấy, được lập, ký số, lưu trữ và chia sẻ hoàn toàn bằng phương thức điện tử.
Yêu cầu chung khi kê đơn
Người kê đơn phải ghi đầy đủ, rõ ràng và chính xác các thông tin: số định danh hoặc số CCCD/hộ chiếu của người bệnh (nếu có), nơi cư trú, với trẻ dưới 72 tháng tuổi phải ghi số tháng tuổi, cân nặng và tên người đưa trẻ đi khám. Các thuốc kê đơn cần ghi theo tên chung quốc tế (INN/generic), số lượng rõ ràng, ghi bằng chữ với thuốc gây nghiện.
Đặc biệt, bác sĩ có trách nhiệm hướng dẫn sử dụng thuốc, tư vấn chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và khuyến cáo người bệnh theo dõi các bất thường để xử lý kịp thời.
Mở rộng nhóm bệnh được kê đơn dài ngày
Một điểm mới đáng chú ý: Từ 1/7/2025, sẽ có 252 bệnh/nhóm bệnh được phép kê đơn thuốc ngoại trú dài ngày, tối đa 90 ngày/lần, thay vì tối đa 30 ngày như trước đây. Nhóm bệnh này bao gồm nhiều bệnh mạn tính phổ biến như: tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, COPD, viêm gan B mạn tính, HIV/AIDS, trầm cảm, Thalassemia, ung thư, Alzheimer, Parkinson...
Việc kê đơn dài ngày sẽ dựa vào tình trạng lâm sàng, mức độ ổn định của người bệnh và quy định chuyên môn. Nếu tài liệu không quy định cụ thể, bác sĩ vẫn được quyền cân nhắc số ngày phù hợp, tối đa không quá 90 ngày.
Việc chuyển đổi sang kê đơn thuốc điện tử và mở rộng nhóm bệnh được kê dài ngày giúp người bệnh giảm bớt gánh nặng tái khám, tiết kiệm chi phí, quản lý điều trị chặt chẽ và an toàn hơn. Bộ Y tế khuyến nghị người dân, các cơ sở y tế cần chủ động nắm rõ, thực hiện đúng quy định mới để đảm bảo quyền lợi, chất lượng điều trị và sức khỏe cộng đồng.