Tình hình sốt xuất huyết Dengue ở trẻ em tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đang trở nên báo động. Chỉ trong hai tháng đầu quý III, Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đã tiếp nhận 17 ca sốc sốt xuất huyết ở trẻ, trong đó có những trường hợp diễn tiến nặng, phải thở máy.
Bé P.T.C.T., 11 tuổi, được đưa đến cấp cứu trong tình trạng sốt cao ngày thứ 3, đau bụng, tay chân lạnh, huyết áp tụt. Trẻ được xác định rơi vào tình trạng sốc – thể nặng của sốt xuất huyết, và được điều trị tích cực theo phác đồ. Sau hơn 1 tuần điều trị, bé đã ổn định và xuất viện.
Bé H.H.T.D., 7 tuổi, nhập viện muộn sau 4 ngày sốt cao và nôn ói trên 10 lần/ngày. Gia đình theo dõi tại nhà và không đưa đi khám sớm, dẫn đến tình trạng sốc nặng, phải thở máy do tái sốc nhiều lần. Hiện sức khỏe bé đã cải thiện và đang tiếp tục điều trị nội trú.
Cảnh báo: Sốt xuất huyết ở trẻ em diễn tiến rất nhanh
Phụ huynh cần đưa trẻ đến viện sớm khi có các dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết, đặc biệt nếu có các triệu chứng cảnh báo sau:
- Mệt nhiều, lừ đừ, vật vã
- Đau bụng nhiều, nôn ói liên tục
- Tay chân lạnh, da nổi bông, tiểu ít
- Chảy máu cam, chảy máu chân răng
- Khó thở, li bì, co giật
Tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà, vì có thể gây sốc hoặc biến chứng nguy hiểm.
Chủ động phòng bệnh – giảm nguy cơ biến chứng nặng
Diệt muỗi, diệt lăng quăng quanh nhà; cho trẻ ngủ màn cả ban ngày.
Ăn uống đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng.
Tiêm phòng sốt xuất huyết Dengue (Qdenga) theo hướng dẫn tại bệnh viện.
Hiện vaccine phòng sốt xuất huyết đã được Bộ Y tế cấp phép, đang được triển khai tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. Phụ huynh có thể đưa trẻ tới xét nghiệm và tiêm ngừa theo lịch trình khuyến cáo.