Một trường hợp nghi mắc bệnh dại vừa được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân là ông Đ.H.B. (62 tuổi, làm nghề lái xe, trú tại Bắc Ninh), từng nhiều lần bị chó cắn, gần đây nhất cách đây khoảng 3 tháng, nhưng không tiêm phòng dại.
Theo người nhà, lần gần nhất ông B. bị chó nhà hàng xóm cắn vào mặt ngoài cẳng chân phải. Con chó sau đó được theo dõi khoảng 10 ngày thì có biểu hiện hung dữ và bị bán đi. Bệnh nhân không đến cơ sở y tế xử trí hay tiêm phòng.
Khoảng 3 ngày trước nhập viện, ông B. bắt đầu có biểu hiện hoảng loạn, kích thích, sợ nước, sợ gió, ăn uống kém. Khi đến bệnh viện tuyến dưới, bệnh nhân được chẩn đoán nghi mắc bệnh dại và được chuyển tuyến ngay.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ThS.BS Trần Văn Bắc – Phó Trưởng khoa Cấp cứu cho biết: "Bệnh nhân có đầy đủ biểu hiện của bệnh dại thể hung dữ: kích động, mắt đỏ, tai thính, tăng tiết đờm dãi. Đây là giai đoạn toàn phát, tiên lượng cực kỳ xấu, hầu như không thể cứu sống".
Dù chưa có kết quả xét nghiệm khẳng định, nhưng với tiền sử phơi nhiễm và triệu chứng rõ ràng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân đã mắc bệnh dại.
Theo BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền – Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch và Tiêm chủng – bệnh dại do virus dại gây viêm não tủy cấp, lây qua nước bọt động vật bị dại khi cắn, cào, liếm vào vùng da trầy xước. Một khi phát bệnh, gần như 100% ca tử vong.
Bác sĩ Huyền khuyến cáo: Ngay sau khi bị cắn hoặc cào, phải rửa sạch vết thương dưới vòi nước với xà phòng trong 15 phút. Tuyệt đối không đắp lá, không tự điều trị. Phải đến cơ sở y tế để tiêm phòng và/hoặc huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.
Bác sĩ Huyền cũng nhấn mạnh: "Tiêm vaccine là biện pháp duy nhất có thể cứu sống. Các loại vaccine hiện nay đều an toàn, không chứa virus sống, đã được kiểm định nghiêm ngặt".