Áp lực điểm số – góc khuất chưa bao giờ nhẹ với học sinh
Với nhiều học sinh, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, kỳ thi vào lớp 10 hay thi tốt nghiệp – đại học không chỉ là cột mốc học tập, mà còn là trận "chiến đấu" của lòng tự trọng, danh dự và áp lực kỳ vọng từ gia đình. Niềm vui khi vượt qua kỳ thi chỉ dành cho một số ít; phần còn lại phải đối diện với nỗi buồn trượt nguyện vọng – đôi khi là cảm giác thất bại nặng nề.
Ghi nhận từ Khoa Sức khỏe vị thành niên – Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, mỗi mùa thi đi qua, số trẻ tìm đến hỗ trợ tâm lý lại gia tăng, với nhiều biểu hiện như: buồn bã, lo âu, mất ngủ, suy nhược, trầm cảm, thậm chí có ý định tự sát.
Điểm số không định nghĩa con người
Thi cử không phải là thước đo duy nhất cho giá trị hay năng lực của một đứa trẻ. Việc không đạt kết quả như mong muốn không phải là kết thúc, mà là một bước ngoặt cần sự bình tĩnh, đồng hành và định hướng đúng từ gia đình.
Trong bối cảnh hiện đại, kỹ năng mềm, khả năng ứng dụng thực tiễn, trí tuệ cảm xúc và khả năng thích ứng mới là yếu tố tạo nên nền tảng bền vững cho một cuộc sống thành công. Một kỳ thi thất bại không có nghĩa một cuộc đời thất bại – điều quan trọng là trẻ có được cơ hội để đứng dậy sau cú vấp.
Phụ huynh: Xin đừng là người gieo thêm áp lực sau thất bại
Sau kỳ thi, điều các em cần không phải là những câu nói như: "Con học ôn như bạn A mà sao điểm lại thấp hơn?", "Thi thế này thì bố mẹ bao năm vất vả coi như đổ sông đổ biển"… Những lời trách móc, sự so sánh hay ánh mắt thất vọng có thể trở thành "vết dao tâm lý", khoét sâu vào nỗi đau mà chính các em còn chưa kịp gọi tên.
TS.BS Nguyễn Mai Hương – Phụ trách Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho rằng: Sau mỗi kỳ thi, cha mẹ cần giữ thái độ bình tĩnh, thấu hiểu và tuyệt đối không so sánh con với người khác. Dù kết quả ra sao, trẻ vẫn cần biết rằng gia đình là nơi an toàn nhất để chia sẻ cảm xúc thật.
Hãy hỏi con rằng: "Con cảm thấy thế nào?", "Con muốn kể gì về kỳ thi không?", "Bố mẹ luôn ở đây, bên cạnh con". Những lời nói đơn giản đó có thể cứu rỗi một tâm hồn non nớt vừa trải qua cú sốc lớn đầu đời.
Cần một vòng tay, một cái ôm và lời cảm ơn vì nỗ lực của con
Trẻ nào cũng có tiềm năng riêng, hành trình nào cũng có những khúc quanh. Sự trưởng thành không đến từ thành tích thi cử, mà từ việc học cách đứng lên sau mỗi lần vấp ngã. Những cái ôm, lời động viên đúng lúc, những câu nói đầy yêu thương sẽ là liều thuốc tinh thần giúp các em bình tâm để bước tiếp.
Lá thư từ những người từng tổn thương và đã hồi sinh
Tại Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều học sinh từng trải qua khủng hoảng tâm lý sau thi đã được điều trị và dần trở lại với ánh sáng cuộc sống. Các em để lại những dòng nhắn nhủ cho bạn bè cùng trang lứa – những ai đang loay hoay với điểm số, áp lực và sự hoài nghi bản thân.
"Mình đã từng nghĩ thi trượt là điều tồi tệ nhất, nhưng giờ đây mình biết đó chỉ là một khúc cua. Mình đã đi tiếp và mình ổn. Bạn cũng sẽ ổn".
"Thay vì chạy theo điểm số, hãy tìm điều mình thực sự yêu thích. Mình tìm thấy bản thân không phải trong lớp học, mà trong câu lạc bộ ảnh và tình nguyện. Mình không xuất sắc, nhưng mình đang hạnh phúc".
Xin hãy nhớ rằng, thành công không chỉ được đo bằng điểm thi hay thứ hạng. Một đứa trẻ vững vàng về tinh thần, được lắng nghe và yêu thương sẽ mạnh mẽ hơn bất kỳ danh hiệu nào. Đây là lời nhắn nhủ từ các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương. Mỗi mùa thi trôi qua, điều quý giá nhất không phải là giấy báo trúng tuyển, mà là một đứa con vẫn giữ được niềm tin vào chính mình và vào tình yêu không điều kiện của cha mẹ.