Trang chủ
Nóng
Video
Tư vấn
Menu
Trang chủ / 24h nóng / Cảnh báo liên cầu lợn: Huế siết chặt kiểm soát
Cảnh báo liên cầu lợn: Huế siết chặt kiểm soát

Hình minh họa.

Thành phố Huế ghi nhận 38 ca liên cầu lợn, trong đó 2 ca tử vong. Ngành y tế cùng các tổ chức quốc tế đang siết chặt giám sát, kiểm soát nguy cơ dịch bệnh.

Sau đợt khảo sát thực địa tại các điểm có ca bệnh liên cầu lợn, các chuyên gia trong và ngoài nước đã họp phân tích, đánh giá và đưa ra nhiều khuyến nghị về kiểm soát dịch tại thành phố Huế.

Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Huế (CDC Huế), Viện Pasteur Nha Trang đã phối hợp cùng các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US.CDC), cùng đại diện các đơn vị chuyên môn liên quan tổ chức buổi làm việc chuyên sâu nhằm phân tích, đánh giá nguy cơ và tăng cường phối hợp kiểm soát dịch bệnh liên cầu lợn (Streptococcus suis) trên địa bàn.

Theo báo cáo của CDC Huế, từ đầu năm đến ngày 18/7, thành phố đã ghi nhận 38 ca dương tính với liên cầu lợn, trong đó có 2 trường hợp tử vong và 3 ca bệnh nặng xin xuất viện. Các ca bệnh phân bố rải rác tại quận Thuận Hóa và Phú Xuân (cũ), chưa xác định rõ yếu tố dịch tễ liên quan giữa các trường hợp. Trong 2 ngày trước đó, đoàn công tác đã trực tiếp khảo sát thực địa tại các điểm có bệnh nhân tại phường Dương Nỗ và Hương An.

Tại buổi làm việc, các chuyên gia đã trình bày nhiều nội dung quan trọng liên quan đến bệnh truyền từ động vật sang người, đánh giá mối quan hệ giữa con người – động vật – môi trường trong nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch. Đại diện các đơn vị như Bệnh viện Trung ương Huế, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Phòng Nghiệp vụ Y và Phòng An toàn thực phẩm (Sở Y tế) cũng chia sẻ tình hình điều trị, giám sát dịch trên đàn gia súc, cũng như thực trạng an toàn thực phẩm liên quan đến thịt lợn tại địa phương.

Cuộc họp tập trung bàn thảo các giải pháp thúc đẩy phối hợp đa ngành, chia sẻ thông tin, giám sát chặt chẽ và xử lý hiệu quả các ổ dịch, đồng thời nhấn mạnh vai trò của truyền thông phòng chống bệnh. Việc tuyên truyền đến người dân cần hướng đến thay đổi hành vi như không ăn tiết canh, không sử dụng thịt sống, chú trọng khâu chế biến an toàn, không tạo tâm lý hoang mang nhưng vẫn bảo đảm an toàn trong giết mổ và tiêu thụ thịt lợn, góp phần giữ vững an sinh xã hội.

Phát biểu tại cuộc họp, TS Nguyễn Thành Đông – Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang – nhấn mạnh quan điểm cần xây dựng một hệ thống phối hợp phòng chống dịch bệnh với các yếu tố liên kết chặt chẽ, liên vùng, liên tuyến và liên tục. Để phát huy hiệu quả công tác phòng chống liên cầu lợn, hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương, từ cơ sở khám chữa bệnh đến thú y, quản lý thực phẩm phải cùng chung tay hành động trên tinh thần chia sẻ dữ liệu, kịp thời cảnh báo và hỗ trợ lẫn nhau trong xử lý dịch bệnh có yếu tố từ động vật sang người.

Bình luận bài đăng
Lưu thông tin và không hỏi lại lần sau
Tin liên quan
Hoàn toàn miễn phí
Tư vấn sức khỏe online
Đăng ký nhận các tin y tế mới nhất

Bằng việc đăng ký, bạn đồng ý với các điều khoản và chính sách thu thập dữ liệu của website.

Đăng ký nhận thông báo mới nhất từ chúng tôi

Cập nhật các tin tức mới và chính xác nhất về tình hình y tế, bệnh dịch trên toàn quốc