Hình minh họa.
Theo người nhà, khoảng 30 phút trước khi nhập viện, bé được bà dẫn sang nhà người thân chơi. Trong lúc vui chơi, bé phát hiện một chai dầu thắp đèn đặt gần khu vực bàn thờ, do nhầm là nước ngọt nên đã uống một ngụm. Ngay sau đó, bé bắt đầu ho liên tục, thở khò khè, gia đình hoảng hốt tìm cách gây nôn rồi lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Tại Khoa Cấp cứu, các bác sĩ nhanh chóng đánh giá tình trạng, tiến hành truyền dịch, điều trị theo phác đồ. Qua thăm khám lâm sàng và xét nghiệm, bé được chẩn đoán viêm phổi do hít phải dầu thắp. Bé có biểu hiện sốt, tổn thương đường thở đang được theo dõi chặt chẽ.
Bác sĩ CKI Nguyễn Duy Long – người trực tiếp điều trị cho biết, biến chứng nguy hiểm nhất khi uống nhầm dầu thắp là suy hô hấp – nguyên nhân hàng đầu có thể dẫn đến tử vong. Dầu thắp là hydrocarbon có khả năng bay hơi cao và sức căng bề mặt thấp, rất dễ xâm nhập vào phổi trong quá trình uống hoặc nếu cố gắng gây nôn. Khi đã đi vào đường thở, dầu lan nhanh và gây tổn thương nặng nề như viêm phổi, xẹp phổi, thậm chí hoại tử mô phổi. Vì vậy, với các trường hợp ngộ độc dạng này, không được tự ý xử trí bằng cách móc họng hay gây nôn tại nhà.
Hiện tại, sau quá trình điều trị tích cực, tình trạng sức khỏe của bé đã dần ổn định, đang tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện.
Từ sự việc trên, các bác sĩ đưa ra cảnh báo rằng ngộ độc do uống nhầm hóa chất, xăng dầu, thuốc… là những tai nạn sinh hoạt phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trong môi trường gia đình. Để phòng tránh những tình huống đáng tiếc, phụ huynh cần cất giữ tất cả hóa chất, thuốc men, dầu thắp… ở nơi an toàn, cao ráo, ngoài tầm với của trẻ. Tuyệt đối không đựng hóa chất trong các chai lọ dùng cho thực phẩm nhằm tránh nhầm lẫn nguy hiểm.
Bên cạnh đó, việc thường xuyên kiểm tra và thu dọn các vật dụng sắc nhọn, nhỏ dễ nuốt, lắp đặt thiết bị bảo vệ tại khu vực nguy hiểm như cầu thang, ban công, bếp… cũng rất cần thiết. Người lớn cần giám sát trẻ thường xuyên, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, tránh để trẻ chơi một mình tại các khu vực tiềm ẩn nguy cơ.
Việc tạo dựng một môi trường sống an toàn, lành mạnh không chỉ giúp phòng tránh các tai nạn không mong muốn mà còn là cách bảo vệ sức khỏe lâu dài cho trẻ em – những người dễ tổn thương nhất trong mỗi gia đình.