Trong đó, khu vực TP Hồ Chí Minh cũ ghi nhận 11.914 ca, tăng 167,1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, số ca chuyển nặng lên tới 222 trường hợp, cao gấp 2,4 lần so với cùng kỳ, và đã có 6 ca tử vong. Khu vực Bình Dương cũ báo cáo 2.695 ca (tăng 148%), với 65 ca chuyển nặng (gấp 5 lần năm 2024) và 3 ca tử vong. Bà Rịa - Vũng Tàu cũ ghi nhận 929 ca (tăng 109,2%) và 1 ca tử vong.
Sự gia tăng nhanh số ca mắc, đặc biệt là các ca chuyển nặng và tử vong, cho thấy dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, lan rộng địa bàn và gây gánh nặng lớn cho hệ thống y tế. Trước tình hình này, ngành Y tế TP Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kiểm soát dịch bệnh.
Các hoạt động giám sát, xử lý ổ dịch, đánh giá điểm nguy cơ và truyền thông phòng chống dịch đang được tăng cường. Ngành Y tế cũng đẩy mạnh hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng "Y tế trực tuyến" để phản ánh các điểm nguy cơ phát sinh muỗi gây dịch tại cộng đồng.
Để kiểm soát và ngăn chặn dịch lan rộng, ngành Y tế khuyến cáo người dân không chủ quan và cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng bệnh tại hộ gia đình, cơ sở công cộng và nơi làm việc. Trong đó, trọng tâm là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh – diệt lăng quăng:
Đối với các vật chứa nước sinh hoạt như xô, thùng, lu, bể... cần đậy kín và chà rửa định kỳ. Bình hoa, chậu cảnh, ly nước cúng nên thay nước, cọ rửa thường xuyên hoặc thả cá bảy màu để tiêu diệt lăng quăng.
Các vật dụng không sử dụng hoặc chứa nước mưa như phế liệu, vỏ lon, vỏ chai cần được dọn dẹp, loại bỏ để tránh đọng nước.
Khi ngủ nên sử dụng mùng, đồng thời có thể dùng thêm biện pháp xua muỗi như bình xịt, kem chống muỗi, vợt điện...
Khi có triệu chứng sốt, người dân cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị đúng cách, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.
Mỗi người dân cần tích cực tham gia các chiến dịch diệt lăng quăng và phun hóa chất phòng dịch, đồng thời chủ động phản ánh các điểm nguy cơ trên ứng dụng "Y tế trực tuyến" để được xử lý kịp thời.
Ngành Y tế nhấn mạnh, việc kiểm soát dịch sốt xuất huyết không thể thành công nếu thiếu sự phối hợp từ chính quyền, các ban ngành và đặc biệt là ý thức chủ động, tự giác từ cộng đồng trong việc loại bỏ nơi sinh sản của muỗi và phát hiện sớm dấu hiệu bệnh.