Bệnh nhân là nữ, 67 tuổi, trú tại phường Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, nhập viện trong tình trạng mắt phải đỏ, cộm khó chịu suốt 20 ngày. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện viêm thượng củng mạc và nghi ngờ có ký sinh trùng dưới kết mạc nhãn cầu. Một dải màu trắng mảnh, không di động, được ghi nhận nằm tại vị trí viêm.
Người bệnh được chỉ định lấy dị vật dưới kết mạc. Trong quá trình thủ thuật, bác sĩ gắp ra một con giun dài khoảng 4cm, đã chết, nằm dưới lớp kết mạc nhãn cầu. Sau đó, bệnh nhân được điều trị kháng sinh, chống viêm và thuốc diệt ký sinh trùng, đồng thời làm các xét nghiệm tầm soát nguy cơ nhiễm trùng toàn thân. May mắn, chưa phát hiện thêm ổ ký sinh ở cơ quan khác và thị lực người bệnh phục hồi tốt, không có tổn thương sâu.
Mẫu giun được gửi xét nghiệm định danh. Kết quả xác định đó là giun đũa chó, mèo – một loại ký sinh trùng thường sống trong vật chủ là chó, mèo, có thể lây sang người qua tiếp xúc với đất hoặc vật nuôi nhiễm ấu trùng, hay qua đường ăn uống không hợp vệ sinh.
Các bác sĩ cảnh báo, tuy hiếm gặp, nhưng nhiễm ký sinh trùng vào mắt rất nguy hiểm. Ấu trùng có thể theo máu di chuyển đến các cơ quan như gan, phổi, não và mắt, gây viêm, tổn thương mô hoặc tắc mạch. Khi vào mắt, chúng có thể gây giảm thị lực, viêm màng bồ đào, thậm chí bong võng mạc nếu không được phát hiện sớm.
Để phòng tránh, người dân cần chú ý:
- Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với đất, vật nuôi.
- Tẩy giun định kỳ cho trẻ nhỏ và vật nuôi trong nhà.
- Không ăn rau sống chưa rửa kỹ hoặc thịt chưa nấu chín.
- Khi mắt có dấu hiệu đỏ kéo dài, đau, cộm xốn, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra và điều trị kịp thời.