Trường hợp bệnh nhi K.N.T. (8 tuổi) bị chó nhà họ hàng tuột xích lao vào cắn khi đang chơi. Trẻ chảy máu nhiều vùng mặt, được người nhà sơ cứu tại chỗ rồi đưa vào viện.
Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện vết rách môi, má và thêm vết cắn nhỏ ở đùi – mông. Dù vết thương không lớn, nhưng do nằm ở vị trí dễ gây biến dạng nên trẻ được chỉ định phẫu thuật thẩm mỹ ngay trong đêm. Hiện sức khỏe trẻ ổn định nhưng tâm lý vẫn hoảng sợ.
Trường hợp khác là bệnh nhi V.N.B.A. (3 tuổi) bị chó nhà cắn vào mặt. Sau khi sơ cứu tại địa phương, trẻ được chuyển tới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Bác sĩ xác định vết rách dài khoảng 5 cm, sâu và phức tạp, buộc phải can thiệp phẫu thuật khâu thẩm mỹ.
Sau điều trị, cả hai trẻ được chỉ định đến trung tâm y tế dự phòng để tư vấn và tiêm phòng bệnh dại, uốn ván.
BSCKI Nguyễn Quang Hà – Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khuyến cáo: "Trẻ nhỏ rất hiếu động, dễ tiếp cận vật nuôi mà chưa biết cách tự bảo vệ. Do đó, người lớn cần giám sát chặt chẽ, dạy trẻ không trêu chọc chó, mèo, đặc biệt là khi chúng đang ăn hoặc ngủ. Vật nuôi cũng cần được tiêm phòng bệnh dại đầy đủ, không thả rông và nên đeo rọ mõm khi ra ngoài".
Trong trường hợp trẻ bị vật nuôi cắn, việc sơ cứu ban đầu có ý nghĩa quyết định: nhanh chóng rửa vết thương dưới vòi nước sạch với xà phòng ít nhất 15 phút, sát trùng bằng cồn 70 độ hoặc dung dịch Povidine, sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế để xử lý vết thương, tiêm phòng bệnh dại và uốn ván đầy đủ.
"Phát hiện và xử lý kịp thời có thể ngăn nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng thẩm mỹ và đặc biệt là nguy cơ tử vong do bệnh dại", bác sĩ Hà nhấn mạnh.