Nhận biết sớm dấu hiệu ngộ độc thực phẩm
Theo Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), các triệu chứng ngộ độc thực phẩm thường khởi phát nhanh chóng, trong vòng 30 phút đến 6 giờ sau khi ăn phải thực phẩm nhiễm độc. Người bệnh có thể xuất hiện các biểu hiện như buồn nôn, nôn nhiều lần, đau bụng dữ dội, tiêu chảy liên tục. Ngoài ra, còn có thể gặp sốt, ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt và nguy cơ mất nước nghiêm trọng.
Ở thể nặng, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng co giật, rối loạn ý thức, sốc và thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Những đối tượng dễ tổn thương như trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có bệnh lý nền cần đặc biệt lưu ý vì khả năng diễn tiến nặng nhanh hơn so với người khỏe mạnh.
Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm có thể bắt nguồn từ nhiều tác nhân khác nhau, trong đó phổ biến nhất là vi sinh vật. Vi khuẩn như Salmonella, E. coli, Clostridium perfringens, Shigella, Staphylococcus aureus thường xuất hiện trong thực phẩm sống, ôi thiu hoặc không được chế biến kỹ. Virus như Norovirus, Rotavirus và Adenovirus cũng có thể gây bệnh qua thức ăn hoặc nước uống nhiễm bẩn.
Ngoài ra, các loại ký sinh trùng như Giardia, Entamoeba histolytica hay giun sán từ rau sống, gỏi cá không đảm bảo vệ sinh là nguồn lây phổ biến. Một số trường hợp ngộ độc cũng xuất phát từ nấm độc, nấm mốc hoặc hóa chất tồn dư như thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia không rõ nguồn gốc.
Biện pháp phòng ngừa hiệu quả
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, điều quan trọng đầu tiên là lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng. Cần kiểm tra kỹ hạn sử dụng, màu sắc và mùi vị của thực phẩm trước khi mua và sử dụng.
Trong quá trình chế biến, người nội trợ cần rửa tay sạch sẽ trước khi nấu và ăn. Dụng cụ dùng cho thực phẩm sống và chín phải được tách biệt rõ ràng để tránh lây nhiễm chéo. Thực phẩm cần được nấu chín kỹ và nên ăn ngay sau khi nấu, đặc biệt đối với hải sản, thịt, trứng và nội tạng động vật. Không nên để thức ăn đã chế biến ở nhiệt độ phòng quá lâu.
Việc bảo quản thực phẩm cũng đóng vai trò then chốt. Các loại thức ăn dễ hỏng cần được giữ lạnh ở nhiệt độ dưới 5 độ C. Thức ăn đã nấu nên sử dụng trong ngày, tránh để qua đêm nếu không có điều kiện bảo quản đúng cách.
Bên cạnh đó, nên uống nước đã đun sôi hoặc đảm bảo nguồn nước sạch. Hạn chế ăn uống tại các hàng quán vỉa hè không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Xử trí khi nghi ngờ ngộ độc
Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc thực phẩm, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được theo dõi và xử trí kịp thời. Không nên tự ý sử dụng thuốc cầm tiêu chảy hoặc truyền dịch tại nhà khi chưa có chỉ định chuyên môn, vì có thể che giấu triệu chứng hoặc làm tình trạng xấu đi.
Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm không khó, nhưng đòi hỏi sự cẩn trọng ngay từ những thói quen nhỏ trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm hằng ngày. Bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân – bắt đầu từ bữa ăn an toàn.