Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa xử trí thành công một trường hợp hiếm gặp: bệnh nhân cùng lúc bị sỏi mật gây tắc ống mật chủ và có giun trong đường mật. Người bệnh là bà B.T.M., 71 tuổi, trú tại Hạ Hòa, Phú Thọ, nhập viện với triệu chứng đau tăng vùng thượng vị và hạ sườn phải, kèm theo vàng da, mệt mỏi kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt và ăn uống.
Sau khi thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ xác định người bệnh bị nhiễm trùng đường mật do tắc nghẽn bởi sỏi tại ống mật chủ. Bệnh nhân được chỉ định dẫn lưu đường mật qua da để giảm áp lực trong ống mật, cải thiện tình trạng nhiễm trùng.
Sau 5 ngày điều trị ổn định, bệnh nhân được chỉ định tiếp tục can thiệp tán sỏi đường mật qua da bằng laser – một kỹ thuật ít xâm lấn, hiện đại đang được triển khai rộng rãi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Trong quá trình can thiệp, ngoài sỏi mật, ekip bất ngờ phát hiện một con giun đũa dài khoảng 15cm nằm trong đường mật.
Đây là tình huống rất hiếm gặp, đòi hỏi năng lực xử trí linh hoạt và kinh nghiệm lâm sàng vững vàng của ekip phẫu thuật. Các bác sĩ đã loại bỏ hoàn toàn sỏi và giun ra khỏi cơ thể bệnh nhân mà không để lại biến chứng.
Sau can thiệp, người bệnh hồi phục tốt, hết đau, ăn uống bình thường, tinh thần ổn định và đã được xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Theo ThS.BS Trần Thanh Tùng, Trưởng Khoa Ngoại tiêu hóa – Gan mật, trường hợp đồng thời có sỏi mật gây tắc và giun chui ống mật là rất hiếm. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề như viêm mủ đường mật, áp xe gan mật, sốc nhiễm khuẩn, tắc ruột do sỏi mật, hoặc thậm chí tử vong.
Trường hợp này cũng là lời cảnh báo về nguy cơ nhiễm ký sinh trùng và sỏi đường mật ở người cao tuổi. Người dân, đặc biệt là người có tiền sử giun sán, cần tẩy giun định kỳ, ăn chín uống sôi, đồng thời thăm khám sớm khi có biểu hiện đau bụng kéo dài, vàng da, sốt, mệt mỏi để tránh biến chứng nguy hiểm.