Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 18 đến 25/7, toàn thành phố ghi nhận 72 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong. Số ca mắc tăng 34 trường hợp so với tuần trước. Trong tuần, có 5 ổ dịch sốt xuất huyết mới xuất hiện. Cộng dồn từ đầu năm, Hà Nội có 475 ca mắc, 15 ổ dịch, hiện còn 7 ổ dịch đang hoạt động.
Số ca mắc tay chân miệng là 88 ca. Từ đầu năm đến nay, đã có 3.293 ca mắc tay chân miệng tại toàn bộ các xã, phường, tăng mạnh so với cùng kỳ 2024. Trong tuần không ghi nhận ổ dịch mới, còn 1 ổ dịch đang hoạt động.
Bệnh sởi tiếp tục diễn biến đáng chú ý với 28 ca mới. Cộng dồn năm 2025 đã có 4.295 ca mắc, 1 ca tử vong - tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước. Ca bệnh ghi nhận ở nhiều nhóm tuổi, trong đó 32,9% dưới 1 tuổi và gần 20% ở người ≥16 tuổi.
Ngoài ra, thành phố ghi nhận 1 ca mắc liên cầu lợn là nam bệnh nhân 38 tuổi tại Phú Nghĩa, có tiền sử tiếp xúc thực phẩm sống khi chế biến tóp mỡ; xét nghiệm dịch não tủy dương tính. Đây là ca mắc thứ 6 trong năm, tương đương năm 2024.
Trong tuần, thành phố ghi nhận thêm 2 ca ho gà và 36 ca mắc COVID-19, đều không có tử vong. Số mắc COVID-19 giảm so với tuần trước nhưng cộng dồn từ đầu năm đã lên đến 2.131 ca, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024.
CDC Hà Nội nhận định, dịch bệnh truyền nhiễm tại địa bàn đang có xu hướng tăng, nhất là sốt xuất huyết và sởi. Chỉ số côn trùng tại nhiều khu vực đang ở ngưỡng nguy cơ cao, dự báo số ca mắc sẽ còn tiếp tục tăng.
Hiện ngành Y tế đang tích cực giám sát, điều tra, khoanh vùng và xử lý ổ dịch, tập trung tại các điểm nóng. Các trạm y tế phường, xã được yêu cầu tăng cường phát hiện ca bệnh sớm qua hệ thống giám sát, đặc biệt với các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi và COVID-19, không để lây lan rộng.
Đồng thời, ngành Y tế phối hợp với thú y giám sát dịch bệnh lây từ động vật sang người, triển khai các biện pháp liên ngành. Công tác truyền thông về dịch bệnh mùa hè cũng đang được đẩy mạnh, nhằm giúp người dân chủ động phòng bệnh, vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng và phối hợp với chính quyền trong phòng chống dịch.