Trang chủ
Nóng
Video
Podcast
Tư vấn
Menu
Trang chủ / Tin trong nước / Tổn thương vô hình: Cảnh báo sang chấn tâm lý ở trẻ sau xâm hại
Tổn thương vô hình: Cảnh báo sang chấn tâm lý ở trẻ sau xâm hại

Một vụ việc bé gái 3 tháng tuổi bị xâm hại tình dục vừa được Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận điều trị đã gióng lên hồi chuông cảnh báo: tổn thương tinh thần có thể kéo dài cả đời nếu không can thiệp sớm.

Mới đây, một bé gái 3 tháng tuổi phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng chảy máu nghiêm trọng vùng sinh dục. Sau hội chẩn, các bác sĩ xác định đây là trường hợp bị xâm hại tình dục. Bé đã được phẫu thuật khẩn cấp để bảo tồn tầng sinh môn và cơ quan sinh dục.

Dù may mắn giữ được tính mạng, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng tổn thương thể chất chỉ là một phần. Sang chấn tâm lý – tổn thương vô hình – mới là thứ để lại hậu quả lâu dài nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

Theo các nghiên cứu về thần kinh và tâm lý phát triển, ngay cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vẫn có khả năng ghi nhớ và phản ứng với trải nghiệm đau đớn dưới dạng ký ức cảm giác. Những sang chấn này có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, điều tiết cảm xúc, hành vi và khả năng gắn bó xã hội trong tương lai.

Các rối loạn thường gặp sau sang chấn gồm rối loạn lo âu, ám ảnh sợ chuyên biệt, rối loạn phản ứng gắn bó, rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), câm chọn lọc ở trẻ tiền ngôn ngữ, rối loạn giấc ngủ và rối loạn triệu chứng thần kinh chức năng. Tùy từng trường hợp và môi trường, mỗi trẻ sẽ có phản ứng khác nhau. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên môn về tâm lý để được thăm khám khi có dấu hiệu bất thường.

Thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, mỗi năm Việt Nam ghi nhận 1.000–1.800 vụ xâm hại trẻ em, trong đó 80% là xâm hại tình dục. Đáng lo ngại, gần 60% thủ phạm là người thân hoặc người quen, khiến chính ngôi nhà – vùng an toàn của trẻ lại tiềm ẩn nguy cơ nếu cha mẹ lơ là.

Ở độ tuổi chưa biết nói, trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào sự quan sát của người lớn. Nếu phát hiện muộn hoặc xử lý không kịp thời, hậu quả có thể kéo dài, ảnh hưởng cả đời.

Để bảo vệ trẻ, Bệnh viện Nhi đồng 2 nhấn mạnh vai trò giáo dục giới tính từ sớm. Trẻ cần được hướng dẫn nhận biết ranh giới cơ thể, quyền từ chối, sự đồng thuận và những kiến thức phù hợp theo độ tuổi. Ở giai đoạn 0–3 tuổi, cha mẹ cần gọi tên đúng bộ phận cơ thể, dạy nhận diện vùng riêng tư. Giai đoạn 3–6 tuổi, trẻ cần biết quyền từ chối, không giữ bí mật về cơ thể. Từ 6–12 tuổi, trẻ được dạy phân biệt đụng chạm phù hợp, không phù hợp, hiểu về sự đồng thuận. Khi trẻ trên 12 tuổi, cha mẹ nên trang bị kiến thức về quan hệ lành mạnh, ranh giới cảm xúc và mạng xã hội.

Cha mẹ cần quan sát kỹ những dấu hiệu bất thường như trẻ hay quấy khóc, thay đổi hành vi, có vết thương bất thường vùng kín. Tuyệt đối không để trẻ ở một mình với người không đáng tin cậy, kể cả người thân quen. Ngành y tế cũng cần nâng cao kỹ năng nhận diện dấu hiệu xâm hại, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng khi xử lý.

Mỗi gia đình cần trở thành "vùng an toàn thực sự" để mọi trẻ em được lớn lên khỏe mạnh, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Từ khóa phổ biến: xâm hại tình dục , tâm lý
Bình luận bài đăng
Lưu thông tin và không hỏi lại lần sau
Tin liên quan
Hoàn toàn miễn phí
Tư vấn sức khỏe online
Đăng ký nhận các tin y tế mới nhất

Bằng việc đăng ký, bạn đồng ý với các điều khoản và chính sách thu thập dữ liệu của website.

Đăng ký nhận thông báo mới nhất từ chúng tôi

Cập nhật các tin tức mới và chính xác nhất về tình hình y tế, bệnh dịch trên toàn quốc