Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM cho biết, trong vòng 3 tháng đầu năm, chỉ riêng bệnh viện này đã tiếp nhận và điều trị hơn 20 trường hợp ho gà ở trẻ nhỏ. Điều đáng nói, hầu hết các trường hợp đều chưa được tiêm ngừa. Theo thống kê từ Viện Pasteur TP.HCM, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2018, số ca mắc bệnh ho gà được phát hiện ở khu vực phía Nam là trên 40 ca, 80% trong số này là nhóm trẻ dưới 4 tháng tuổi.
Khác với ho nhiễm khuẩn hô hấp thông thường, vi khuẩn ho gà khiến trẻ ho từng cơn không thể kiềm chế, thậm chí có thể ngừng thở, tử vong trong cơn ho. Điều đáng lo ngại là trong thời gian đầu mắc bệnh, triệu chứng ho gà rất giống với những chứng bệnh cảm thông thường nên nhiều gia đình có tâm lý chủ quan, tự mua thuốc về chữa cho con, đến khi thấy trẻ ho nặng, bị tím tái mới đưa vào viện thì đã trong tình trạng nguy kịch.
Miễn dịch sau khi tiêm vaccine không phải là suốt đời và sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, các nhà khoa học khuyến cáo, người dân nên tiêm bổ sung vaccine này khoảng 4 - 8 năm/lần. Ngoài ra, nếu bị chẩn đoán mắc bệnh ho gà, người tiếp xúc với bệnh nhân cũng cần phải được dự phòng với các thuốc ngăn ngừa nhiễm trùng bất kể đã được tiêm chủng hay chưa.
Để có thể nhận biết sớm căn bệnh này, Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Trần Nam sẽ tư vấn cho quý vị về các dấu hiệu đặc trưng giúp nhận biết bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!